Chẳng biết tự bao giờ, thứ bánh kỳ diệu ấy đã xuất hiện trên mâm cỗ trông trăng của mỗi người dân đất Việt. Mùi thơm của hương hoa bưởi, vị ngầy ngậy của lạp xường đã làm mê hoặc biết bao người.
Trong tiềm thức của nhiều người Việt, bánh trung thu không chỉ là một loại quà bình thường mà nó còn mang ý nghĩa cho sự đoàn viên; là biểu tượng của sự ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, trong ngày Tết Trung thu, dù giàu hay nghèo, trong mỗi gia đình đều có cặp bánh nướng, bánh dẻo cúng ông bà tổ tiên, trời đất.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, mâm cỗ đêm rằm cũng trở nên phong phú và trang trọng hơn nhờ có sự góp mặt của các loại bánh lạ miệng, đẹp mắt. Nhưng những người biết ăn và sành ăn thì vẫn tìm về với hương vị bánh trung thu cổ truyền, bởi chỉ có hương vị cổ truyền ấy mới đủ sức đánh thức và gợi nhớ nét đằm thắm của quê hương mà không thứ bánh nào có được. Mỗi một chiếc bánh là sự hội tụ của cả một bầu thiên nhiên đất trời trong lành, tươi sáng và tinh khôi. Vì thế, mặc cho những chiếc bánh ngoại nhập đắt tiền xuất hiện, bánh truyền thống Hà Nội vẫn tìm về với những nguyên liệu tự nhiên nhất của quê hương đất Việt. Không quá cao sang với những loại nhân cao cấp như các loại bánh hiện đại, bánh trung thu xưa mang đậm hương vị cổ truyền, lấy nguồn nguyên liệu gần gũi, giản dị như đỗ xanh, thịt lợn, lá chanh, lạc, vừng…Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ gợi nên nét mộc mạc, đặc trưng làm say lòng không biết bao thế hệ người thưởng thức.
Bánh trung thu cổ truyền mộc mạc bởi nó được làm thủ công từ bàn tay khéo léo của con người chứ không bằng công nghệ sản xuất dây chuyền, không cậy nhờ đến các loại máy móc hiện đại. Những bí quyết làm bánh cộng với việc lựa chọn nguyên liệu kỹ càng đã khiến cho bánh cổ truyền có hương vị riêng, rất ngon và làm nên sức sống của bánh trung thu cổ truyền.